Cái ác trong tác phẩm của Conan Doyle là muôn hình khối, ông đã chỉ ra rằng: Cái ác có mầm mống phần nào từ xã hội. Chính vì thế, nhà văn đã xây dựng nhân vật của mình với ý hướng đằng sau vẻ ngoài khô khan, lạnh lẽo là một trái tim ấm áp tình người, là niềm tin mãnh liệt vào sự chiến thắng cuối cùng của công lí.
Trong Chiếc nhẫn tình cờ, Truy tìm dấu bộ tứ, Vụ xì-căng-đan ở xứ B, Holmes đã rất nhiều lần bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những can phạm mà đồng thời cũng chính là nạn nhân của những định kiến xã hội, các tín điều tôn giáo hay đơn giản chỉ là của thói tham lam, ích kỉ của con người… Ở một góc độ khác, là sự an nhiên của Holmes trước hư danh và lợi lộc. Khi có người nói giễu ông là “tên chạy giấy cho sở mật vụ Scotland Yard”, Sherlock Holmes chỉ mỉm cười xuề xòa!
Có lẽ chính điều này đã tạo nên sự đồng cảm với độc giả. Dù các vụ án của Holmes đã cách đây hàng thế kỉ, nhưng những thế lực tà ác, đen tối luôn luôn có mặt ở bất cứ thời đại nào. Chính vì vậy mà câu chuyện về Sherlock Holmes luôn luôn ấm nóng tính thời sự, và từ trong thẳm sâu tâm thức của nhân dân luôn rất cần một tinh thần Sherlock Holmes – tinh thần của những trang hiệp sĩ tận tâm, tận lực trong nhiệm vụ cao cả và nặng nề “trừ gian, diệt ác”, và đây cũng chính là một trong những bí quyết tạo nên sự bất tử của vị thám tử lừng danh này.